Página inicial  > Nhân loại với ước mơ “cải lão hoàn đồng”
 Nhân loại với ước mơ “cải lão hoàn đồng”

Nhân loại với ước mơ “cải lão hoàn đồng”

Nhân loại với ước mơ “cải lão hoàn đồng”

Thưa ông, người phương Đông xưa đã đề cập tới “Ngũ Phúc”: phú, quý, thọ, khang, ninh (giàu sang, quyền quý, trường thọ, khỏe mạnh, yên lành); trong đó thọ được xem là phúc lớn nhất. Gần đây những bước tiến thần kỳ của công nghệ tế bào gốc đã khơi lên niềm khao khát “cải lão hoàn đồng” của con người. Ông suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?

Vẫn biết quy luật của tạo hóa, ai cũng trải qua “sinh, lão, bệnh, tử”, vậy mà ngay từ xa xưa con người đều mong ước trẻ mãi và sống mãi... Tần Thủy Hoàng thì dùng tổ chim yến (yến sào), Từ Hy Thái Hậu thì ninh rùa vàng trăm tuổi chiết lấy nước cốt uống hằng ngày. Tổ yến, rùa vàng đều “đại bổ thận âm” giúp kéo dài tuổi thọ theo y lý phương Đông, “thận là gốc của sinh mệnh”. Khoa học ngày nay thì tìm thấy ở hai động vật quý hiếm này nguồn tế bào gốc chất lượng rất cao.

Vài thập kỷ qua, những thành tựu đột phá của công nghệ tế bào gốc trong việc làm đẹp và làm chậm quá trình già hóa đã thu hút nhiều lãnh đạo quốc gia, doanh nhân tài ba, ca sĩ, diễn viên danh tiếng đổ về Thụy Sĩ, Đức, Nhật Bản để được tiêm tế bào gốc với giá “khủng” để đổi lấy sự “thanh tân”.

Ở Việt Nam đã có một số doanh nhân thành đạt và “ngôi sao” trong làng giải trí sử dụng làm đẹp bằng sản phẩm công nghệ tế bào gốc chế tạo tại Việt Nam.

Phải chăng tế bào gốc đã trở thành cụm từ nóng hấp dẫn giới truyền thông toàn cầu và có ảnh hưởng không chỉ ở phương diện khoa học và y học?

Tế bào gốc quả thực đang hấp dẫn giới truyền thông toàn cầu. Các thông tin về thành tựu công nghệ tế bào gốc được “săn lùng” và truyền bá rộng. Mới đây Timothy Ray Brown (46 tuổi) là người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi hẳn căn bệnh thế kỷ AIDS bằng cấy ghép tế bào gốc, gây sửng sốt cho giới y khoa khắp hành tinh.

Mỹ là nước đi đầu trong công nghệ tế bào gốc và lĩnh vực này nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Trong tám năm cầm quyền Tổng thống Gioóc-giơ Bu-sơ đã cấm dùng ngân sách liên bang nghiên cứu tế bào gốc phôi - thai vì cho rằng vi phạm đạo đức xã hội. Thế nhưng chỉ sau 30 ngày tiếp quản Nhà trắng, ông Ô-ba-ma đã ký sắc lệnh hủy bỏ lệnh cấm của người tiền nhiệm và góp phần quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ tế bào gốc tại đất nước này.

Một số tổ chức tôn giáo quốc tế cũng hết sức lo lắng về thành tựu của công nghệ tế bào gốc. Tòa thánh Va-ti-căng quyết liệt phản đối vì cho rằng khoa học đã “cả gan” làm thay vai trò của Chúa Trời.

Ông có thể cho biết thêm về Giải thưởng Nobel Y học năm 2012 về công nghệ tế bào gốc?

Đây là lần thứ ba và hai lần liên tiếp trong năm năm (2007 - 2012) công nghệ tế bào gốc được vinh danh với giải thưởng danh giá này. Một lần nữa giới khoa học bị chấn động bởi giải Nobel Y học năm 2012 cho đề tài “Tế bào trưởng thành có thể tái lập trình để trở thành các tế bào đa năng”. Sự kiện này một lần nữa khẳng định khả năng thần kỳ của tế bào gốc với đời sống con người.

Giải thưởng Nobel Y Sinh học năm 2012 được trao cho hai nhà khoa học đến từ Anh (ông John Gurdon) và Nhật Bản (ông Shinya Yamanaka). Hai nhà khoa học này đã tạo nên một cuộc cách mạng về y học nhờ khám phá khả năng chuyển đổi tế bào đã trưởng thành ngược lại thành tế bào gốc toàn năng nhân tạo (iPS) mở ra khả năng ứng dụng to lớn trong điều trị nhiều loại bệnh phức tạp và ứng dụng vào mỹ phẩm có nguồn gốc sinh dược.

Là người tiên phong về ứng dụng công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam, ông có suy nghĩ gì về tương lai ngành này ở ta?

Sau khi tìm ra nguồn tế bào gốc từ màng dây rốn và công nghệ phân lập nuôi cấy, biệt hóa tế bào gốc tôi quyết định chuyển giao công nghệ này tại quê hương và bước đầu tập trung vào ba lĩnh vực: Chăm sóc sắc đẹp (chăm sóc, phục hồi da thẩm mỹ, ngăn ngừa lão hóa), điều trị vết thương và ngân hàng lưu trữ cuống rốn (nguồn nguyên liệu để nuôi cấy, tách chiết tế bào gốc cho cộng đồng).

Từ năm 2004 - 2007, tôi đã đào tạo công nghệ tế bào gốc ba đợt cho bác sĩ Viện Bỏng quốc gia và giúp nuôi cấy “da nhân tạo” góp phần điều trị thành công nhiều ca bỏng nặng, nâng cao chất lượng điều trị các vết thương không có khả năng liền hay lâu liền do biến chứng của bệnh tiểu đường, suy tim/mạch máu, hay do nằm lâu của bệnh lý đột quỵ, liệt... giúp người bệnh tránh khỏi cắt cụt chi.

Từ năm 2009, tôi phối hợp với GS,TS Phạm Mạnh Hùng và Công ty Dược MekoPharm thành lập ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam cho cộng đồng và cá nhân tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên trên thế giới kết hợp lưu trữ tế bào gốc từ máu và màng dây rốn.

Năm 2011, công nghệ tế bào gốc được đưa vào Chương trình ưu tiên phát triển công nghệ cao do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp chỉ đạo. Hy vọng Việt Nam dù “đi sau vẫn có thể về trước” nếu chúng ta sớm có hành lang pháp lý thúc đẩy quá trình đầu tư về lĩnh vực này. Các nhà khoa học ở ta cần bám sát các tiến bộ về công nghệ tế bào gốc và nên nghiên cứu áp dụng quy định pháp luật về lĩnh vực này của Mỹ và châu Âu. Tôi cũng nhấn mạnh sự cần thiết ra đời Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Y học Tái tạo ở tầm quốc gia.

Ta có thể nói công nghệ tế bào gốc đang hình thành nên nền y học tái tạo và là tương lai của y học thế giới?

Đúng vậy! Công nghệ trị liệu tế bào gốc là một trong những công nghệ tiên tiến nhất của thế kỷ 21 giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chậm quá trình lão hóa của con người. Nhân loại sẽ được hưởng thụ những thành tựu này của công nghệ tế bào gốc, nhiều bệnh nhân liệt đi lại được, bại não đột quỵ thì phục hồi tốt, suy tim, nhồi máu cơ tim sẽ kéo dài tuổi thọ, các cháu bé bị các bệnh di truyền hiếm gặp như thoái hóa biểu bì bẩm sinh, bệnh máu không đông... thậm chí ung thư, HIV/AIDS cũng có cơ hội được chữa khỏi.

Fonte do artigo: