Página inicial  > Mất di sản, giá phải trả rất đắt
 Mất di sản, giá phải trả rất đắt

Mất di sản, giá phải trả rất đắt

Mất di sản, giá phải trả rất đắt

- Thưa ông, ông có thể chia sẻ thêm một số thí dụ cụ thể quanh việc: Từ điểm tựa là sự nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng mà đến nay, một di sản văn hóa đã, đang được giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của nó trong cuộc sống hiện nay?

- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012. Trước đó, từ xa xưa trong lịch sử, Lễ giỗ Tổ và Lễ hội Đền Hùng vốn diễn ra trong không gian làng xã khép kín ở vùng núi Nghĩa Lĩnh (tức núi Hùng), đất Phong Châu. Trải qua các triều đại từ thời Hậu Lê (vua Lê Thánh Tông) đến nhà Nguyễn, cho đến nay, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng đã có rất nhiều thay đổi, cả về nghi thức, phần lễ và phần hội, được mở rộng về không gian địa lý. Từ lễ thờ Thành hoàng làng trở thành Lễ giỗ Tổ của cả nước.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng luôn là biểu trưng cho tinh thần cố kết dân tộc, được phát huy qua nhiều thời đại, qua thăng trầm của lịch sử đất nước. Từ nền tảng lịch sử và truyền thống ấy, các nhà nghiên cứu nhiều thế hệ đã đóng góp một lượng tri thức phải nói là rất lớn với nhiều điểm nhìn khác nhau, chúng ta đã không chỉ hoàn thiện được một bộ hồ sơ di sản về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thuyết phục được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà còn tiếp tục đóng góp vào việc khai thác và phát huy rất tốt giá trị của di sản văn hóa này ở tỉnh Phú Thọ.

Như vậy, để thấy rằng, nhìn chung, nghiên cứu một di sản văn hóa không phải có kết quả trong ngày một ngày hai mà rất cần sự tiếp nối thế hệ, cần một tầm nhìn dài rộng. Vì vậy, để phát huy được nhiều nhất giá trị của di sản trong cuộc sống đương thời và cho tương lai, để người dân thấy hợp lý và đồng lòng chung tay, nhà quản lý di sản văn hóa cũng cần tầm nhìn tương ứng.

- Bên cạnh đó, tính đặc thù của từng di sản cũng đã được giới nghiên cứu lưu ý nhiều với các nhà quản lý văn hóa khi muốn phát huy giá trị của nó. Theo ông, khó khăn nhất trong việc nhận diện và bảo vệ được tính đặc thù của di sản văn hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay là gì?

- Áp lực phát triển kinh tế, áp lực dân số hiện nay phải nói là rất lớn đối với tất cả các địa phương. Rõ ràng là kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, luận điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế đã lập tức trở thành kim chỉ nam, làm chuyển biến nhận thức và hành động cho văn hóa, vì văn hóa của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. Tôi biết lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố hiện nay đều rất nỗ lực trong việc làm thế nào tìm ra, khai thác tốt nhất những đặc thù văn hóa ở địa phương mình. Họ thấm hiểu văn hóa, di sản văn hóa là sự khác biệt, là giá trị riêng có, chứ không phải là sự hơn-kém. Từ giá trị trở thành giá trị rất cao nếu biết cách làm. Nhưng làm thế nào để dung hòa được?

Tôi đơn cử, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được Mạng lưới địa chất toàn cầu của UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Từ đây, những hoạt động hướng đến việc khai thác và phát huy di sản này được triển khai. Những lo lắng về việc sẽ không có khách du lịch đến đây vì đường sá hiểm trở được thay bằng nhiều niềm vui khác. Nhưng nguy cơ Đồng Văn lại thành một Sa Pa, Đà Lạt thu nhỏ đã có dấu hiệu hiện hữu, nhà cửa tư nhân đã thành khu lưu trú dạng homestay, nhiều khách sạn mọc lên quây dần lấy thị trấn… Câu hỏi đặt ra cho nhà quản lý địa phương là phải dám chấp nhận "mất" đôi phần về kinh tế và dám chịu trách nhiệm để được lại nhiều hơn, bền vững hơn về di sản và văn hóa cho chính con em ở địa phương mình.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng đón đồng bào thập phương về dâng hương, tưởng nhớ các Vua Hùng dịp Giỗ Tổ. Ảnh: Ngọc Hùng

- Trở đi trở lại vẫn là câu chuyện tầm nhìn của con người. Đặc biệt trong nhận thức và hành động liên quan đến văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng, tầm nhìn ấy cũng là nhờ vun bồi tri thức qua thời gian chứ không thể ngay lập tức có được, thưa ông?

- Một thời gian dài, có lẽ là dài quá, chúng ta cứ nghĩ đơn thuần rằng, trong lĩnh vực văn hóa nói chung, ai cũng làm được vì ai mà chẳng có văn hóa, và vì văn hóa chung chung, trừu tượng, chẳng chết ai nên không quá cần chuyên môn sâu. Thế nhưng thực tế đã trả lời cho lối quan niệm ấu trĩ ấy: Chúng ta đã mất mát nhiều, không chỉ di sản văn hóa mà tiền nhân gửi lại. Những ấu trĩ, sai lệch trong nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa không gây hậu quả chết người ngay lập tức, nhưng có thể gây tác động xấu đến nhận thức và hành vi xã hội của nhiều người, nhiều thế hệ, để lại hệ lụy lâu dài.

Một thí dụ trong lĩnh vực nghiên cứu của chúng tôi: Giờ đây, thật khó để tìm được những nhà nghiên cứu tận tâm, đam mê với văn hóa dân tộc như Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Phan Ngọc, Nguyễn Từ Chi... Nhưng vì sao họ làm được vậy? Tôi cho rằng, nền tảng tri thức trong gia đình họ hoặc văn hóa làng-nơi họ được sinh ra, lớn lên, được bao bọc với những nền nếp gia phong, tri thức dân gian là vô cùng quan trọng, ngấm dần vào họ, hun đúc trong họ tình cảm với gia đình, làng mạc, quê hương, tiến tới là sự hiểu biết về văn hóa dân tộc và rồi là đam mê, kiên trì lao động... Nghiên cứu của họ đã trở thành tri thức nền tảng cho các thế hệ nghiên cứu sau này. Còn lâu nay, chúng ta có các "thợ" nghiên cứu nhiều hơn là nhà nghiên cứu, để lại khoảng trống khó có thể bù đắp.

Song cũng đáng mừng là, sau rất nhiều bài học, kinh nghiệm từ quá khứ, thực tế lại đang cho thấy những chuyển biến rất tích cực trong nhận thức về vai trò của văn hóa, của di sản văn hóa từ các nhà quản lý, giới nghiên cứu và trong cộng đồng xã hội.

Biểu hiện rõ ràng là nếu ở địa phương nào, người đứng đầu có nhận thức cởi mở, tầm nhìn rộng dài về phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương thì nơi đó, giá trị của di sản văn hóa đồng thời đem lại giá trị kinh tế to lớn, như các tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam, An Giang...

- Để tránh được những "vết xe đổ" trong nhận thức cũng như cách thức phát huy vai trò của văn hóa và di sản văn hóa, nhất là giữa bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, ông có thể chia sẻ ít nhất là một tham vấn đến các nhà lãnh đạo và quản lý văn hóa hiện nay, thưa ông?

- Họ cần tin tưởng và lắng nghe nhiều hơn những phản biện từ giới chuyên môn nghiên cứu.

Bên cạnh đó, tôi muốn bày tỏ là tôi có niềm hy vọng vào lứa nghiên cứu văn hóa trẻ, từ tầm 50 tuổi trở xuống, trong đó có những em đi học ở nước ngoài về. Với các lý thuyết nghiên cứu mới, tiến bộ, cùng sự tôn trọng đạo đức nghiên cứu khoa học, họ chắc chắn có những đóng góp chuyên môn độc lập hơn.

Hãy lắng nghe, khuyến khích và đừng ngại đầu tư xứng đáng cho cá nhân nào làm việc nghiêm túc với một tình cảm thật sự sâu sắc dành cho văn hóa đất nước. Trong đời sống hội nhập này, ta không thể nào cứ viện cầu hình ảnh nhà nghiên cứu chỉ biết đam mê khoa học, không màng đến bữa cơm thường nhật nữa. Nếu không, việc chảy máu chất xám trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn sẽ không dừng lại chỉ là hiện tượng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Fonte do artigo: